An Giang là tỉnh có số người Chăm đông thứ tư cả nước và đứng đầu Nam Bộ. Qua nhiều đợt di cư, người Chăm có mặt ở nơi đây rất sớm, hiện nay sống rải rác ở nhiều palei (làng), phần lớn dọc theo sông Hậu. Tuy nhiên, văn hóa Chăm An Giang khác với văn hóa Chăm miền Trung. Do đó đến với mảnh đất hiến hòa nầy, sẽ thật tiếc nếu du khách chưa thể thăm những làng Chăm. Xin giới thiệu một làng Chăm tiêu biểu, đó là làng Chăm Châu Phong, thuộc địa phận xã Châu Phong, thị xã Tân Châu và nằm đối diện với thành phố Châu Đốc.
Người Chăm ở An Giang theo đạo Islam
(Hồi giáo), gắn bó mọi sinh hoạt hằng ngày với thánh đường. Mỗi ngày năm lần,
người Chăm đến thánh đường cầu nguyện và nghe thuyết giảng vào ngày thứ Sáu hằng
tuần. Họ có tháng thánh lễ Ramadan (tháng 9 Hồi lịch, tức khoảng tháng 4 - 5
dương lịch) là tháng nhịn ăn. Kết thúc tháng Ramadan, họ tổ chức lễ Roya với ý
nghĩa thăm viếng, chúc mừng nhau, bố thí cho người nghèo…
Đến làng Chăm Châu Phong, bạn sẽ bất
ngờ trước khung cảnh một làng quê yên bình, mến khách, và đặc biệt là vẻ đẹp
thướt tha của các thiếu nữ Chăm. Xà rông là trang phục truyền thống của người
Chăm, bên cạnh đó nam thường đội nón trắng (người già) hoặc đen (người trẻ),
còn nữ thì choàng khăn. Ngoài ra, nhà sàn cũng là một điểm nổi bật ở làng Chăm.
Những ngôi nhà nầy có phong cách độc đáo, lạ mắt, nhiều ngôi nhà có tuổi đời
hàng trăm năm. Tùy điều kiện từng gia đình mà mội ngôi nhà có kết cấu và loại gỗ
khác nhau. Tuy nhiên, do giáo luật Islam, nhà của người Chăm rất hạn chế trang
trí.
Người Chăm ở Châu Phong có làng nghề dệt thổ cẩm nổi tiếng và hình thành từ lâu đời. Sản phẩm dệt chủ yếu là áo, xà rông, khăn choàng, túi xách… Các sản phẩm thổ cẩm đầy sắc màu đó được dệt từ bàn tay tài hoa của những người phụ nữ Chăm duyên dáng. Màu sắc thổ cẩm ở Châu Phong sắc nét và lâu phai, các hoa văn trên sản phẩm mang đậm nét đặc trưng của người Chăm Nam Bộ. Mặc dù kỹ thuật ngày càng được đổi mới, nhưng các sản phẩm thổ cẩm vẫn giữ được phong cách truyền thống của cộng đồng Chăm. Hiện nay, thổ cẩm Chăm Châu Phong đã có mặt tại các thành phố lớn ở miền Nam và các nước Đông Nam Á.
Điểm độc đáo không thể bỏ qua của người Chăm An Giang là các thánh đường Islam. Ở mỗi làng Chăm đều có những thánh đường (masjid) và tiểu thánh đường tức nhà nguyện (surao). Một trong những thánh đường cổ và có kiến trúc độc đáo được nhiều du khách đến thăm là thánh đường Mubarak ở xã Châu Phong.
Đến đây ngoài tham quan, bạn còn có thể thưởng thức nhiều đặc sản nổi tiếng. Ở người Chăm An Giang, việc ăn uống có phần khá nghiêm khắc, vì phải tuân thủ giáo luật Islam. Họ chỉ được ăn thịt những con vật do người Islam cắt tiết và phải qua cầu nguyện, không ăn thịt heo, chó, rắn… và những con vật tự nhiên ngã ra chết hoặc bị giết bằng cách dã man. Họ cũng không được uống rượu bia. Tuy vậy, người Chăm vẫn sáng tạo nhiều món ăn độc đáo. Các món ăn thường ít nước, vì họ ăn bằng tay.
Tung lò mò tức lạp xưởng bò là đặc sản
nổi tiếng của người Chăm An Giang. Họ xem đây là món ăn quý, dùng để đãi những
vị khách được gia đình quý mến, hoặc vào các dịp quan trọng. Thịt bò được khử
mùi bằng rượu và gừng rồi xắt nhuyễn, trộn với mỡ, cơm nguội, gia vị. Sau đó,
thịt được dồn vào ruột bò đã làm sạch, thắt thành xâu rồi phơi khô.
Cà ri là món ăn phổ biến của người
Chăm. Thịt thường dùng là dê, bò, gà, vịt… chặt thành miếng và ướp bột cà ri,
gia vị, sữa tươi… để chừng một giờ cho thấm đều. Trước khi nấu cà ri, thịt được
xào với cà chua, rồi đổ nước cốt dừa vào nấu, cho thêm khoai tây, bột mì… Cà ri
thành phẩm có màu vàng sẫm, nước dùng sệt và béo.
Đến làng Chăm, thực khách thường thưởng
thức cơm nị. Món nầy gần giống cơm trộn của người Việt, nhưng chế biến kỳ công
hơn. Đầu tiên, chuẩn bị gạo sóc đã vo sạch, nước cốt dừa được thắng sánh. Cho
vào nồi một ít dầu ăn, củ hành tím bằm nhuyễn, bơ, bột cari… xào với nhau. Cho
cơm vào nồi, trộn gia vị, cuối cùng cho nước cốt dừa, nấu đến khi cơm chín.
Người Chăm ở An Giang là những người
hiền hòa, mến khách và tự hào về văn hóa của mình. Họ có niềm tin tôn giáo mãnh
liệt, có tinh thần tự giác và ý thức cao trong việc thực hiện quy tắc cộng đồng.
Cuộc sống người Chăm ở An Giang gắn bó hòa đồng với các tộc người cận cư. Hãy một
lần đến thăm làng Chăm, để hiểu hơn và thương hơn về một nền văn hóa lung linh
bên dòng sông Hậu.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét