Thành phố Long Xuyên là một trung tâm kinh tế - văn hóa quan trọng của tỉnh An Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đô thị sầm uất thứ hai tại Tây Nam Bộ. Du khách tham quan du lịch tại An Giang, hầu hết đều phải đi bằng tuyến đường ngang qua Long Xuyên, nên thành phố còn có vai trò là cửa ngõ đầu tiên đón chân du khách khi đến với An Giang. Có thể nói, Long Xuyên là một thành phố trẻ trung, năng động ở đồng bằng, có sức hấp dẫn mạnh và gây được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách các nơi.
Cửa
ngõ vào thành phố
Du
khách chắc hẳn ngạc nhiên khi vào trung tâm thành phố phải qua gần chục chiếc cầu
bắc ngang các con rạch nhỏ và khó có thể nào nhớ hết được tên chúng. Có lẽ bạn
sẽ rất hiếu kỳ muốn biết về những kinh rạch chằng chịt đó. Để tiện cho bạn,
chúng tôi giới thiệu sơ những cái tên mà bạn sẽ bắt gặp trên đường vào thành phố
như rạch Cái Sắn, rạch Cái Dung, rạch Cái Sao, cống Bà Thứ, rạch Gòi Bé, rạch
Gòi Lớn, rạch Tầm Bót, rạch Cái Sơn… Vì có nhiều kinh rạch, cầu ngang, nên mọi
người cũng không cần thiết phải đi nhanh, cứ chậm rãi để quan sát nhịp thở của
phố phường. Đây cũng là một nét đặc trưng hết sức đáng yêu của “thành phố miệt
sông” nầy.
Nội ô thành phố
Long Xuyên có thể tạm tính từ cầu rạch Gòi Lớn đến cầu Trà Ôn. Nơi đây tập
trung dân cư đông đúc, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc san sát nhau, nhiều con đường
cắt dọc cắt ngang ngoằn ngoèo như mạng nhện. Đường sá, những dãy phố khang
trang, những ngôi nhà tân thời nằm xen lẫn
với những kiến trúc cổ kính tạo nên nét
riêng, gần gũi, thân thương. Trên những con đường thẳng tắp và rợp bóng cây
xanh ấy, thỉnh thoảng chúng ta sẽ bắt gặp một vài ngôi chùa, ngôi miếu, vừa
thanh thoát, vừa trang nghiêm, như những trụ cột tinh thần của con người đô
thị.
Bước vào trung tâm
thành phố, bạn sẽ thấy một bùng binh ngã tư lớn, người An Giang gọi là ngã tư
Đèn Bốn Ngọn. Bởi vì nơi nầy từ xưa
đã có trụ đèn bốn nhánh, được gắn bốn ngọn đèn lớn, tỏa ra bốn ngả đường nên có
tên gọi như thế. Đến ngã tư Đèn Bốn Ngọn, không khí ngày càng tấp nập, sôi động
hơn. Từ ngã tư nầy, nếu chạy thẳng theo quốc lộ 91 là hướng đi Châu Đốc và cũng
đi ngang trung tâm thành phố Long Xuyên, nếu rẽ phải sẽ vào chợ Long Xuyên ở
phường Mỹ Long, còn rẽ trái sẽ vào phường Mỹ Xuyên và đây cũng là hướng đi huyện
Thoại Sơn.
Trung tâm thành phố Long Xuyên nhìn chung có cảnh quan khá đặc biệt, được chia làm hai phần nằm ở đôi bờ sông Long Xuyên. Phía bờ Bắc là khu tập trung phần lớn các cơ quan hành chánh, khá trầm lặng. Phía bờ Nam sôi động hơn với chủ yếu là khu kinh tế, thương mại, dịch vụ… tập trung hàng ngàn công ty, doanh nghiệp, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cửa hiệu buôn bán lớn nhỏ.
![]() |
Đình Mỹ Phước (Ảnh: Internet) |
Đình
thần Mỹ Phước
Cạnh công trường
Trưng Nữ Vương là đình Mỹ Phước. Đây là một ngôi đình cổ với kiến trúc nội -
ngoại thất độc đáo. Trước đây, thôn Mỹ Phước được thành lập ven bờ sông Đông
Xuyên, là trung tâm kinh tế - chánh trị của vùng Đông Xuyên thời nhà Nguyễn và
Long Xuyên sau nầy. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh và tỏ lòng biết ơn tiền nhân mở
đất khai hoang, thôn Mỹ Phước đã xây dựng ngôi đình nầy. Tuy nhiên, hiện nay do
chia cắt địa giới hành chánh nên đình thuộc phường Mỹ Long.
Đình Mỹ Phước trang nghiêm, cổ kính, nằm bề thế giữa trung tâm thành phố, quay mặt về hướng sông Hậu. Nóc đình lợp ngói đại tiểu với những tầng mái rêu phong, trầm mặc, mang đậm phong cách truyền thống Việt Nam. Trên nóc điểm xuyết nhiều tiểu tượng, hoa văn, họa tiết với các chủ đề rồng, phượng, bát tiên… Mặt tiền của đình có ba cửa ra vào ở giữa, hai bên là cửa sổ hình tròn có cách điệu chữ “Mỹ” và “Phước” theo Hán tự.
Chánh điện là một
tổng thể hài hòa, gồm chín gian nối liền nhau, đỡ bằng cột gỗ vững chãi. Với diện
tích rộng lớn, nóc cao và nhiều cửa sổ đã tạo cho nội thất thông thoáng và đón
nhận nhiều ánh sáng, mở rộng cả chiều ngang lẫn chiều sâu. Bên trong có nhiều
nghi thờ, khánh thờ, bao lam thành vọng… được điêu khắc sống động, như tái hiện
một không gian xưa, vừa uy nghi lại vừa quen thuộc.
Đình Mỹ Phước ban đầu được làm bằng tre lá, qua nhiều lần trùng tu trở nên đồ sộ như ngày nay. Đình thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, có sắc phong của vua Tự Đức, thờ vọng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Đồng thời, đình còn thờ Thần Thị, tương truyền là ông Nguyễn Văn Võ, người có công lập chợ Long Xuyên.
Miếu
Bắc Đế
Từ công trường
Trưng Nữ Vương, du khách tiếp tục đi thẳng về phía sông Long Xuyên rồi rẽ trái
một đoạn ngắn để đến thăm miếu Bắc Đế. Miếu còn được gọi là chùa Ông Bắc, hay
Quảng Đông tỉnh hội quán. Đây là một di tích của người Hoa ở Long Xuyên, đã được
công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Miếu
không lớn, mặt tiền hướng ra sông Long Xuyên. Miếu được xây dựng cuối thế kỷ
XIX, vừa là nơi thờ tự, vừa kết hợp làm địa điểm liên lạc, sinh hoạt, hội họp của
người Hoa ở Long Xuyên. Miếu thờ Bắc Đế, ngoài ra còn phối thờ Thiên Hậu, Quan
Công, Ngọc Hoàng…
Mặc
dù có diện tích nhỏ, nhưng miếu là một trong những di tích cổ xưa của Long Xuyên.
Miếu Bắc Đế có kiến trúc ngoại thất và cách trang trí nội thất tinh xảo, hài
hòa. Kết cấu miếu theo hình chữ “quốc”, tường xây hồ ô dước, cột làm từ gỗ quý.
Phần trước của miếu là tiền sảnh, phía sau là chánh điện, hai bên có đông lang
và tây lang. Nóc lợp ngói đại tiểu, trên có nhiều hình tượng, phù điêu, hoa văn
độc đáo.
Chánh
điện được trang trí sắc sảo, cổ kính, mang đậm phong cách kiến trúc người Hoa.
Các khánh thờ, nghi thờ vừa trang nghiêm, vừa bay bổng với các chi tiết chạm khắc.
Các vật dụng thờ tự, tán, lộng… có giá trị về nghệ thuật và văn hóa. Các bức
bích họa, hoành phi, liễn đối… mang nội dung đa dạng. Đặc biệt, miếu Bắc Đế còn
giữ được nhiều cổ vật có tuổi đời hàng thế kỷ như chuông đồng, bia đá…
![]() |
Hồ Nguyễn Du (Ảnh: Internet) |
Hồ
Nguyễn Du
Hồ Nguyễn Du nằm cặp bên sông Hậu. Hồ thực chất là một nhánh nhỏ của sông Hậu, lâu ngày phù sa bồi đắp rồi tách dần với sông. Về sau, người ta tận dụng lợi thế nầy để nạo vét thành hồ cảnh quan, với chiều dài 350 mét, rộng 50 mét. Hai con đường Nguyễn Du và Lê Lợi chạy song song với hồ có những hàng cây xanh rợp bóng mát, khung cảnh nên thơ và tĩnh lặng.
Phía sau hồ không xa là khu công viên - cũng là bờ kè đá dài ven sông Hậu. Đây là công trình bảo vệ thành phố tránh sạt lở bờ sông, đồng thời là điểm vui chơi, thư giãn, thể dục của người dân thành phố. Với không khí yên tĩnh, thoáng đãng và khung cảnh lãng mạn đặc biệt, nhiều cặp tình nhân thường thích chọn nơi đây để trò chuyện, các cụ già thì có thú vui câu cá ven bờ kè.
Từ bờ sông, bạn có thể nhìn thấy cồn Phó Ba với những xóm chài lưới, cù lao Ông Hổ xa xa với những vườn cây xanh. Phía dưới sông có nhiều xuồng ghe tấp nập, những giề lục bình trôi thành hàng dài như vô tận, trên nền trời có những đàn chim bất chợt sà xuống rộn vang cả mặt sông. Những trải nghiệm đó sẽ khiến bạn hiểu vì sao báo chí lại khen ngợi rằng đây là một trong những công viên đẹp nhứt miền Tây.
Nếu
bạn cảm thấy mệt mỏi sau nhiều giờ “du ngoạn” Long Xuyên, thì hãy dừng chân tại
đây. Bạn có thể nhâm nhi một ly cà phê bên bờ hồ Nguyễn Du hoặc ở bờ kè ven
sông Hậu, để được tận hưởng cảm giác rất đặc biệt mà nơi khác khó có được. Đây
cũng là thói quen đồng thời là niềm tự hào của người Long Xuyên.
Long
Xuyên không quá rộng lớn, tấp nập, ồn ào như những thành phố khác, nhưng lại
mang một dáng vóc riêng, thơ mộng, phóng khoáng, không lẫn vào đâu được. Thành
phố có nhiều kinh rạch, nhiều cầu, nhiều chợ, và cũng nhiều điểm dừng chân rất
ư lãng mạn, trữ tình. Nếu miêu tả ngắn gọn nhứt về thành phố nầy, người Long
Xuyên sẽ không đắn đo mà chọn hai chữ: yên bình.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét