Nói về du lịch ở vùng đồi núi An Giang, nhiều du khách đã biết đến một núi Sam náo nhiệt, một núi Cấm bồng bềnh, một núi Tô diễm lệ… Nhưng ngoài ra, An Giang còn biết bao ngọn núi khác mà không phải ai cũng đã từng đặt chân đến. Bạn hãy thử một lần tham quan núi Trà Sư để hòa mình với khung cảnh thiên nhiên yên bình, thanh tĩnh. Đây cũng là một trong những ngọn núi được đông đảo du khách tìm đến trong thời gian gần đây.
Núi
Trà Sư nằm ở thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Núi cao
146 mét, chu vi 1750 mét, tên chữ là Kỳ Lân
sơn. Có người cho rằng núi này xưa gọi là Tà Sư vì có nhiều đạo sĩ, cũng
có người nói trước đây có vị tu sĩ tên Trà tu trên núi. Từ tên núi, địa danh Trà Sư được sử dụng cho khóm Trà Sư, kinh
Trà Sư, rừng tràm Trà Sư…
Dù là ngọn núi nhỏ,
nhưng xung quanh núi Trà Sư hiện nay có rất nhiều chùa chiền và hang động, trở
thành điểm hành hương được nhiều du khách viếng thăm. Vì độ cao không lớn, nên
đường lên núi khá ngắn và dễ đi, du khách sẽ không mất nhiều thời gian để chinh
phục.
Trên núi có hai
hòn đá khổng lồ lăn từ đỉnh núi xuống vào năm 1991, một hòn nặng khoảng 1 tấn
và hòn kia khoảng 300 kg. Hai tảng đá không lăn thẳng xuống dốc mà lăn vòng vào
miếu thờ Cửu Thiên Huyền Nữ do nhân dân lập. Điều lạ là hòn đá chỉ làm bể vách
tường sau lưng miếu rồi đứng yên tại đó.
Dọc đường lên núi,
bạn có thể viếng thăm nhiều ngôi chùa như chùa Hòa Long, chùa Hòa Sơn, chùa Tây
Hưng… Ngoài ra, trên núi Trà Sư còn có miếu Chánh Soái Đại Càn, hang Ông Hổ,
hang Cửu Phẩm… và nhiều am, miếu, điện thờ
mang đậm dấu ấn tín ngưỡng dân gian.
Đỉnh núi có Sân
Tiên rộng lớn, gió thổi mát mẻ, nhìn xa xa bạn có thể thấy toàn cảnh đô thị Nhà
Bàng, các ngọn núi lân cận trong vùng Thất Sơn và đồng bằng xung quanh. Đến núi Trà Sư, bạn không chỉ có thể
thưởng ngoạn phong cảnh vùng đồi núi biên thùy, mà còn tìm được cho mình
những giây phút bình yên trong tâm hồn.
Đối diện với núi
là khu tháp Cửu Trùng Đài, được ông Huỳnh Tâm xây dựng vào thập niên 1960, với
mục đích là trụ sở của Tiên Thiên Huỳnh Kỳ Đại Đạo. Khu tháp gồm ba tòa tháp
theo thứ tự từ thấp đến cao: Lục Giác Đài (hai tầng, sáu cạnh), Bát Quái Đài (ba
tầng, tám cạnh) và cao nhất là Cửu Trùng Đài (chín tầng, bốn cạnh). Các tháp đều
được trang trí đẹp mắt, nối với nhau bằng những chiếc cầu.
Từ núi Trà Sư,
chúng ta có thể đến viếng chùa Hòa Thạnh -
một ngôi cổ tự ở xã Nhơn Hưng gần đó. Khi chùa Tây An (núi Sam) được
thành lập, tổ sư Tiên Giác - Hải Tịnh đến truyền giới pháp cho chư tăng, sau đó đi giáo hóa các nơi. Đến thôn
Nhơn Hòa (nay là Nhơn Hưng), ông cho
dựng chùa Hòa Thạnh, còn gọi là chùa Cây Mít. Theo dân gian giải thích,
nơi đây có rất nhiều cây mít, người ta dùng gỗ mít để cất chùa và tạc tượng,
nên có tên gọi như thế.
Chùa xây xong thì
tổ Hải Tịnh tiếp tục đi vân du nơi khác, trong thời gian này chùa không có trụ
trì mà do nhân dân cùng trông coi. Đầu thế kỷ XX, chùa được hòa thượng Viên
Minh trụ trì. Hòa thượng là thành viên của Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học, nên
ngôi chùa cũng trở thành một trung tâm tu học ở vùng biên giới. Các năm 1921 -
1923, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đến đây để hoạt động, truyền bá tinh thần yêu
nước.
Năm 1925, chùa được trùng tu khang trang với dáng dấp như hiện nay, mái
lợp ngói, cột bằng danh mộc. Chùa Hòa Thạnh ngày nay rộng
rãi, có lối kiến trúc Phật giáo trang nghiêm, bố cục hài hòa. Nóc chùa dạng cổ
lầu tam cấp, trên mái có nhiều hình tượng
điêu khắc độc đáo, tinh tế, mang đậm phong cách nghệ thuật cổ truyền. Đến
nay, chùa Hòa Thạnh đã gần 200 năm tuổi nhưng vẫn còn giữ được nét cổ kính.
Đặc
biệt, trong chùa có rất nhiều pho tượng cổ làm bằng gỗ quý. Các bức tượng có kỹ
thuật tạo hình chuẩn xác, gương mặt được chạm khắc sống động, các chi tiết nhỏ
cũng được thể hiện sắc sảo. Nhìn chung, tổng thể hệ thống tượng thờ ở chùa Hòa
Thạnh mang giá trị nghệ thuật cao, tôn lên nét đẹp cho ngôi cổ tự.
Chùa mang đậm dấu ấn
thiên nhiên, dân dã, yên tĩnh. Xung quanh là một khu vườn rất rộng, rợp bóng
cây xanh mát. Xen lẫn giữa vườn là các điện thờ Phật Di Lặc, Phật Thích Ca đản
sanh, khu tháp tổ… Trước chánh điện là hồ sen lớn đã có từ xưa, bên trên có lối
đi dẫn đến tượng Quán Âm Bồ tát giữa hồ. Chùa Hòa Thạnh được công nhận là Di
tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Một ngày đến với
núi Trà Sư, du khách được thiên nhiên ban tặng nhiều trải nghiệm thú vị. Với
không khí trong lành, cùng các địa điểm du lịch văn hóa tâm linh phong phú, nơi
đây mang lại cho bạn cảm giác yên bình. Đến đây, chúng ta không chỉ có thể ngắm
nhìn khung cảnh xinh đẹp của vùng núi non biên thùy, mà còn tìm được những giây
phút thư thả trong tâm hồn.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét